C O N .G À .T R Ố N G .T Í A_______________________________________________________________________đ ỗ l ự c
Vào thời buổi "cơm thua gạo kém" ấy, mẹ tôi lặn lội suốt ngày ngoài chợ, mà anh em tôi vẫn bữa đói bữa no. Tôi vẫn còn đi học, chỉ đỡ đần mẹ với những việc nặng trong nhà và dạy dỗ đàn em. Mới đầu tháng bảy Â.L mẹ tôi đã "lì xì" trước 5 chú gà con cho 5 đứa em gái của tôi, rồi dặn dò:
- "Mấy đứa ráng nuôi cho mau lớn, Tết bán lấy tiền mà mua áo quần."
Năm chú gà con cùng lứa, chừng một tháng tuổi nên nhìn vẫn còn dễ thương lắm! Chúng lại hao hao giống nhau, đến nỗi những đứa em nhỏ của tôi đã nhầm lẫn nhiều lần, khiến tôi phải lấy vải màu mà buộc vào chân để làm dấu.
Mùa nghỉ hè cũng ngay mùa gặt, mấy em gái nhỏ thường rủ nhau ra đồng mót lúa; lúa mót về cũng tạm đủ cho đàn gà ăn "dặm" trong mấy tháng mưa. Mẹ tôi thì mua bán gà ngoài chợ, những buổi chợ ế, mẹ thường mang gà về thả chung chuồng gà nhà. Lâu dần số lượng tăng lên có khi tới mấy chục. Từ ngày có những con gà riêng, là chung cả chuồng được nhờ; mấy nhỏ em cứ làm siêng cho ăn hoài, thậm chí có đứa nhốt gà riêng để tiện việc đặc biệt chăm sóc. Chỉ vài tháng sau, nhìn vô chuồng: gà riêng và gà chung cùng lớn đều một cỡ.
Có một lần, tôi bắt gặp hai đứa em gái nhỏ đang lén lút xúc gạo rồi ép cho gà ăn bằng cách lấy đũa cạy miệng rồi nhét gạo vào, làm chú gà giãy giụa kêu la inh ỏi, hai đứa sợ bỏ chạy rồi cười khúc khích... Chính nhờ lần đó, mà tôi mới biết rõ con gà trống mập, khỏe với bộ lông màu tím đỏ có điểm những hạt cườm trắng quanh cổ thật đẹp. Và tôi đã hiểu hơn về tình cảm của em gái tôi đối vơí chú gà; bằng những hành động hết cỡ ngây ngô vô cùng tội nghiệp, và bằng nét mặt hân hoan khi được khoe với tôi: "con gà trống tía của em đó!"
Thường vào những ngày trước Tết, vịt gà bán rất đắt, nên mẹ tôi đã quyết định thanh toán các mối gà. Vậy là tối đó, những con gà riêng của các em gái tôi từ trong chuồng đều bị chuyển vào trong những bội, sẵn sàng cho sáng sớm hôm sau lên đường ra chợ.
Tôi về nhà, trời đã tối. Nhà Nội đang cúng tất niên, có luôn nhóm bạn tôi ở đó. Mẹ tôi ngoài chợ chưa về, các em nhỏ đã đi ngủ sớm. Thật tình, tôi cũng muốn đóng góp ít nhiều với Ông Bà trong dịp này, nhưng tôi chẳng có gì... ngoài mấy con gà của mẹ. Tôi biết chắc là những con gà riêng của các em gái tôi đã nằm yên trong bội, nên tôi yên tâm mà đi thẳng vào chuồng với ý định là mót lại một con khỏe nhất trong đám cặn còi. Trời tối nên tôi "quơ đại", mới con đầu tiên là đã nặng tay,tôi lẹ làng cho nó vào bao, rồi vội vàng đem ngay vào nhà Ông Bà.
Sáng hôm sau tôi về nhà, gặp bé Út ngồi ngay trước cổng chờ tôi, đôi mắt sưng húp, khóc khàn cả giọng. vừa thấy tôi là bé chạy lại ôm chầm, miệng mếu máo: "con... gà trống tía của... em bị ăn trộm rồi... hức... hức..." Tôi hoảng hồn, hỏi gặng Bé:
"Rứa là khi hôm ăn trộm vô nhà khiêng đi hết mấy bội gà, thiệt à!"
Nước mắt giàn giụa, bé nhìn tôi nấc từng tiếng... nghẹn ngào :
" Mô có... em thương hắn... bắt lại... bỏ vô chuổng... để nuôi... em không cần áo quần... mới mô!"
Tôi ôm ghì lấy bé,đứng lặng hồi lâu... nước mắt tôi đã giọt dài lên tóc nó... Trời ơi! em gái tôi,mới có chín tuổi đầu mà tình cảm đã dạt dào lai láng. Mà sao tôi lại vô tình đến thế! Làm chết đi một người bạn của tuổi thơ khi mùa Xuân đang tới, làm mất đi một niềm vui và tình yêu thương đáng quí của em mình!!!