Gió. Nickname của chị. Quen chị từ hồng hoang Internet, cái thời IRC kia ấy. Một thoáng đã gần 15 năm. Chẳng biết nguyên do gì mà chị theo em, em theo chị "trên từng cây số", từ IRC chat sang voice chat, phố rùm... Đến đỗi, con gái của chị mới đi đâu về tới cửa, chưa cần nghe giọng nói của em cũng biết ngay là mẹ nó đang buôn dưa lê với cô N.
Noel năm nay, chắc sẽ đặt dấm chấm hết cho cuộc hẹn hò gặp nhau ngoài đời kéo dài hơn 1 thập niên của mình, chị nhỉ? Em không ngờ, em rủ rê chị sang em chơi mà chốt lại thì thành ra em sẽ kéo theo 2 sà lan nhà em sang chị.
Vé booked rồi, kiểu gì thì lần này cũng không thể khất thêm lần nào được nữa.
Ông bạn già người Đức của cô, thường thức đêm như cú vọ. Là 1 giáo sư ngành biomedicine, ông không phải đồ bỏ. Thế nhưng, trong tình cảm với 1 em Mèo (ngươi phụ nữ tuổi con Mèo), ông lại bị em Mèo vờn như vờn banh. Cô làm bạn với ông, vừa kính vừa ngang hàng. Ông thắc mắc, hỏi sao cô không chịu phân vai lớn nhỏ với ông gì hết. Cô gầm gừ: Thế có muốn còn là bạn bè nữa không thì bảo? Ông xua tay, chịu thua cái sự ngang cành hông của cô. Cô không những là bạn của ông, còn là quân sư quạt mo cho ông trong tình cảm. Ông ưu phiền, mất hết cả tính logic cần thiết của 1 người thầy làm khoa học. Óc phân tích của ông trở thành đậu phụ (cô bảo ông thế ). Đã biết người phụ nữ ấy 50% là lợi dụng ông để lấy tấm thẻ định cư thôi, nhưng ông vẫn yêu "mù 1 mắt".
Ông tiếc tình cảm ông trao ra cho cô Mèo, ông e ngại, rồi đây sẽ chẳng còn thời gian yêu lại từ đầu với 1 cô Thỏ hay cô Nai nào khác. Cô bảo ông, người phụ nữ đã toan tính điều gì trong đầu và bằng mọi giá để đạt được, ông sẽ không thoát khỏi móng vuốt của cô ấy đâu. Thế nhé, bạn giáo sư già của tôi, ông cứ tận yêu đi, ngày tháng tương lai chẳng ai biết trước.
Ông là 1 con sư tử lãng mạn, vậy nên, sư tử không chịu nổi móng vuốt của Mèo đâu. Cô lo cho ông sẽ bị mèo quào tổn thương, nhưng cô biết ông sẽ chịu đựng được những vết xước bọc nhung của em Mèo. Chỉ cần, ngày nào em Mèo chưa bỏ nhà theo 1 gã sói lang nào đó, thì ông sẽ vẫn ôm em Mèo trên tay, yêu thương và chìu chuộng.
Ông mua gửi cho cô CD và sách trước khi cô đi chơi. Ờ, CD thì cô vẫn mở trên xe để nghe. Sách thì cô mới chỉ đọc được vài trang và chưa có thời gian hay đúng hơn là dành thời gian để đọc nốt. Cuốn Night Train to Lisbon ấy, khá dày với cô lúc này. Cô trở nên lười đọc sách từ khi nào ấy. Cô mang theo trong chuyến đi, nó làm bạn cùng cô suốt 13,14 tiếng. Sau đó thì nó đã được nằm trong vali mất rồi. Gặp anh, cô nào đọc được chữ nào nữa. Ông hỏi cô: Đọc xong sách chưa, thấy hay không? Cô ấp úng, không muốn cho ông biết cô lười thưởng thức món ăn tinh thần ông cố tình dọn ra cho cô. Ông la oai oái, bảo sách hay thế mà chẳng chịu đọc để cùng ông đàm đạo. Cô trộm nghĩ, thời gian cô ở bên anh, đọc Tố Nữ Kinh còn chả đọc được mấy chương, sao mà mang Night Train to Lisbon ra đọc để về thức đêm như cú vọ, đàm đạo với ông được kia chứ.
Ông bạn giáo sư già của cô rất ngưỡng mộ anh trâu già của cô. Ông bảo cô, anh ấy thật may mắn. Có được một người yêu anh thắm thiết và nồng nàn. Cô cười. Ai yêu nhau mà chẳng thắm thiết và nồng nàn. Nếu nhạt nhẽo thì chẳng thể gọi là yêu, phải không nhỉ? Nhưng ông giáo sư già vẫn muốn tiếp tục đề tài tình yêu. Ông cũng đang yêu nên cứ muốn được quy chiếu tâm sự của ông với tâm sự của một kẻ si tình khác. Những điều ông bạn già của cô mang lên bàn mổ xẻ, tự nhiên lại khiến cô thấu suốt mông muội của mình. Ông không hổ danh là 1 nhà khoa học (ông vẫn tự bảo mình là 1 scientist).
Thì ra bấy lâu nay cô toàn đóng vai ác trong tình yêu với anh. Nghịch lại những vai hiền trong quá khứ cô đã đóng. Thảm nào, với anh, cô không cần phải động não tư duy như 1 nhà triết học. Với anh, cô cũng không cần đăm đắm đêm sâu mộng gối đầu vì những vần thơ. Cô và anh không có những lần đàm đạo và đuổi chữ, bắt ý như một đôi tri âm, tri kỷ. Cô chợt hiểu, khi đóng những vai hiền, cô thường chênh vênh và vô vọng. Nỗi buồn của cô nhân lên cùng năm tháng cô ngưỡng vọng một tình yêu mông lung, vì người trong cuộc đuổi theo nhau bằng ý, bằng những hư hao mộng ảnh.
Cô triết lý nhiều là anh lắc đầu, nghe chẳng hiểu. Anh nói những câu, khiến cô cứng họng và phá lên cười. Cô cười nhiều đến nỗi mắt sắp kéo đuôi. Thì ra, giữa anh và cô, chẳng cần đuổi chữ, bắt ý để nuôi dưỡng tình yêu. Cô cứ việc tốn thật nhiều neuron thần kinh để cùng những người như ông bạn giáo sư già, bới chữ tìm chân lý. Với anh cô chỉ cần đóng vai ác. Bắt nạt anh, lườm nguýt và... hư.
Thời gian băng lãnh Bóng tối bủa quanh Em đợi anh trầm hư giọt thời gian tịch mịch Cong vênh nỗi nhớ Thắt nhịp đập con tim Chênh chao đêm bấp bênh vọng đợi Em úp mặt nghiêng vai tình diệu vợi Nghe vờn lên mắt nỗi hờn yêu...
Bài thơ duy nhất cô vì anh làm khi mới quen anh chưa bao lâu. Cô tin anh và cô chờ đợi - như người Dệt tầm gai (*).
Cửa sổ yahoo của cô chẳng trồng cây Si nào. Chợt khi cô thèm tìm một cây Si nào đó để "chém gió", cô mới nhận ra, yahoo friendlist của cô toàn các chị em gái. Chứng tỏ, trình độ "đong giai" của cô quá tệ. Thế nhưng chẳng hiểu sao mấy cô em lại cứ hay tìm cô để "gỡ rối tơ lòng" cho chúng chỉ vì mỗi lý do là ngưỡng mộ công phu cô "kưa" anh.
Vậy là, yahoo mail của cô cứ nóng hổi chuyện yêu đương thời sự của đàn em. Cô cũng hiểu, mình sốt sắng lắng nghe tức là đã giúp các em giải quyết được khâu... xả. Khi đang bối rối vì tình yêu, người ta vốn bội thực vì những tâm tình và tâm sự nên cần được xì bớt, thế thôi. Những lời khuyên của cô, chỉ có tác dụng như "hoa thêu trên gấm". Người trong cuộc, chẳng mấy ai nghe xong rồi "thực hành như sách hướng dẫn" cả. Khả năng làm chủ cảm xúc của mỗi người cao thấp khác nhau. Thế là những cách tiếp cận vấn đề của riêng từng người thành muôn hình vạn trạng. Mà tựu chung, cô thấy, rất nhiều ca tình cảm của mọi người chẳng đi đến đâu chỉ vì người trong cuộc yêu theo kiểu "thò một chân nhúng nước".
Nước lạnh thì không dám nhảy ùm xuống tắm. Sợ lạnh, sợ bị cảm. Mà nóng quá thì cũng lại hốt hoảng rụt ngay chân về. Đâu biết rằng, có những con suối lưu huỳnh khói ngùn ngụt bốc hơi mà đầy người vẫn trầm mình trong đấy. Hay có những nơi giữa trời băng tuyết vẫn có người nhúng mình tắm ở một sông băng trước rồi mới đi xông hơi đấy thôi. Khi yêu, con gái cứ phải chảnh bằng mọi giá kia cơ. Người ta chưa tỏ ý yêu mình, mình đã xoắn tít thì rõ là mất thể diện. Thế nên, gặp ngay đối tượng với thái độ lãnh đạm thì ta cũng phải làm ra vẻ "đây không thèm để ý đấy ". Nhỡ va phải một tên mang họ Nhát, đẹp trai theo cái vẻ "lạnh lạnh cho gái nó theo" thì đôi lúc gái đẹp nhưng kiêu cũng sẽ thua gái xấu nhưng liều.
Các cô em xinh đẹp ơi, đừng hỏi tại sao "con nhỏ đó xấu hoắc (xấu hơn các em nó) mà ảnh lại chịu đèn nhỏ đó". Sao cô biết được tại sao cơ chứ!? Nhưng cô dự đoán rằng, chắc "con nhỏ đó" đã nhảy nguyên con người xuống nước để bơi về phía anh chàng đẹp trai "ngoài lạnh trong nóng" kia thay vì đứng trên bờ ngúng ngẩy "thò một chân nhúng nước": - Em chả biết bơi.
Nếu như ai không nghiền lakrits ngay từ lần đầu thì chắc sẽ chẳng muốn nhai lakrits trong miệng ở lần hai. Cái vị nửa mặn và nửa ngọt của lakrits khó tả ghê lắm, vậy mà cô thích nhai lakrits mới chết. Cô ăn lakrits như một tín đồ nghiện "khám phá" thế giới sau dãy núi cao. Ăn lakrits là phải chịu đựng cái vị mằn mặn, hăng hăng, ngai ngái khó chịu của nó trước. Sau khi nhai xong 1 viên lakrits mới được nó thưởng cho một dư vị ngọt ngào lạ lùng. Chính cái dư vị này mới là động lực thôi thúc người ta nhai tiếp viên kẹo lakrits tiếp theo. Để lại được trải nghiệm một cảm giác rất "yomost" khi chạm tới vị ngọt đến sau cùng của lakrits.
Cô đón Giáng Sinh ở Đông Đức. Mang theo 2 con, cô sang nhà chị ở trọ hết 8 hôm. Lần đầu tiên trong đời, cô mục sở thị thang máy có số lầu 4, 7 và 10. Nhà chung cư kiểu Đông Đức, đi thang máy kết hợp đi bộ. Chị ở lầu 9, thang máy chỉ có lầu 4,7 và 10. Muốn lên nhà chị, phải lên lầu 10 trước, sau đó đi bộ xuống lầu 9. Chị kể, có lần kia khách đến nhà, cứ loanh quanh tìm nhà chị như con kiến bò trong chảo vì không biết tìm nhà chị kiểu gì.
Ấn tượng đầu tiên của cô về East Berlin chưa phải cái thang máy chỉ dừng ở 3 lầu kể trên mà là khu chung cư nơi chị ở. Nó dài như trường thành. Tiêu biểu cho 1 chế độ ngoài phong cách xây chung cư kiểu "vạn lý trường thành" còn cả hệ thống cách âm kiểu "tai vách" có chủ đích. Nhà trên, nhà dưới và nhà bên cạnh đều nghe được nhau rất rõ. Cô nghĩ ngay tới cảnh ngày xưa, muốn ăn gà luộc người ta phải dùng kéo cắt thay vì dùng dao phay chặt. Chị bảo, trước khi cô sang, chị đã xuống nhà bà hàng xóm mua chuộc rồi. Chị báo trước cho bà biết trong thời gian cô ở nhà chị, sẽ có trẻ con chạy nhảy. Chị mua chuộc bà hàng xóm bằng 1 bữa ăn.
Cô có dịp đến thăm chợ Đồng Xuân sau rất nhiều lần nghe quảng cáo. Thành thật mà khai báo thì cô đã tây hoá nhiều tới nỗi không còn cảm xúc thích thú khi được đến nơi chợ quê như thế nữa. Hàng hoá bày bán là những thứ hàng mà ở quê gọi là hàng "mã", tức là hàng rởm. Cô không có nhu cầu mua sắm hàng hoá như thế nữa rồi. Nhưng cô được dịp cùng chị ôn nghèo kể khổ cái thời hàng Việt khan hiếm khi mới chân ướt chân ráo sang tây định cư. Cái thời đi siêu thị tây, mua tôm luộc đông đá về nấu canh với vỏ dưa hấu để chan cơm thay cho tôm nấu bí, nấu bầu. Anh của chị khoe, thời đó dân VN ở Nauy còn chạy xe sang tận Pháp để mua đồ Á Đông kia ấy. Giờ đây, dân Nauy, Thuỵ Điển, Ba Lan, Tiệp vẫn chạy xe về chợ Đồng Xuân ở Berlin ầm ầm đấy chứ. Ngay cả cô, cũng cầm lòng không đặng, thu xếp quần áo dồn vào 1 vali để mà mua 1 quả bí đao dài gần 1 mét và gần chục quả mướp hương cộng với 4 ký dồi mang về làm quà cho bố mẹ. Cô cũng không thoát khỏi quy luật tha lôi thực phẩm khi đi du lịch.
8 ngày ở Berlin, cô chẳng đi được tới đâu ngoài tới chân tường Berlin. Chị bảo, phải ra đấy chụp ảnh kỷ niệm. Cô thích đi nhưng mà thích đi 1 mình chứ đi với 2 cái rờ moọc thì mệt đứt hơi nên cô chỉ muốn loanh quanh ở nhà ăn và ngủ. Ngay cả việc đi ra chợ Đồng Xuân ăn bún chả cá mà cô còn thấy ngại thì thấy độ lười của cô ở mức nào. Cũng phải thôi, đi ăn tiệm bây giờ rất sợ bởi hoá chất và ti tỉ những thứ độc hại khuất mắt khác. Chưa kể, ăn mặc thơm tho nhưng vào quán trong chợ ngồi ăn được 1 tô bún chả xong là phải về để tắm gội lại vì cả người sẽ tẩm đủ thứ mùi gia vị, cứ như thể mình cũng bị ướp chung với thức ăn. Chị với cô hợp cạ ăn uống nên suốt ngày chỉ thấy bàn tới ăn. Chưa ăn sáng xong đã lên kế hoạch ăn trưa và ăn tối. Ăn uống 8 ngày liền tù tì, kết quả là cô lên thêm 2 ký.
Cô hứa, lần sau sang Berlin, cô sẽ chỉ đi một mình.
_______________________________________________ Những Mảnh Đời Hậu Chiến - văn - Trần Bảo Toàn_______________________________________________
Hôm nay, 30/04/2020, một ngày mưa rả rích, tiếng mưa như gõ vào ký ức những tháng năm quá khứ, đối với tôi ngày này chỉ có ý nghĩa là một ngày lịch sử, khi đất nước, gia đình và rất nhiều cá nhân của thế hệ cha chú và chúng tôi bước qua một khúc quanh mới.