v à i .c h u y ệ n .n h ỏ
.......t r ê n .m ộ t .k h ú c .s ô n g
____________________________________________________________________________
Quê ngoại của tôi là xóm Rạch Gốc, làng Thới An. Chữ Thới đây là phát âm trại đi của chữ Thái, kiêng uý đế hiệu Thành Thái (dù nước đã bị thực dân xâm chiếm); cũng như Tổng Thới Luông thay vì Thái Long (kiêng uý thêm đế hiệu Gia Long). Từ vàm rạch Ô Môn vào chợ quận, bên trái là con đường trải đá cán bằng hủ-lô (rouleau) nhưng không tráng nhựa, có cầu sắt lót ván ngang, đủ vững chắc cho xe ngựa và xe hơi (auto) loại nhỏ chạy qua. Từ Rạch Gốc đến chợ Ô Môn khoảng 1 cây số rưởi (1.500 thước), từ Rạch Gốc đến vàm sông Ô Môn trổ ra Hậu Giang, khoảng 3 cây số. Dọc bờ phiá Nam, tất cả nhà cất quay mặt ra đường, tức cũng quay mặt ra sông, vì đường lộ chỉ cách bờ tùy chỗ chừng 10 hay 20 thước, ban ngày đi bộ trên đường thì thấy tất cả mọi việc xảy ra dưới sông, như xuồng ghe xuôi ngược, trẻ nít tắm lội v.v... Bờ phiá Bắc, chỉ có đường đất đắp dọc theo sông, có đoạn xe máy (xe đạp) chạy được.
Hằng năm, cứ đến mùa gió bấc, thì lần lượt những chiếc ghe bầu từ miền Trung vào đậu xếp hàng một dọc bờ phía nam: từ cây gừa cạnh đầu cầu ông Cả Được, đến đầu cầu nhà ông hai Triều (nếu tôi nhớ không lầm thì ông Hai Triều là ông nội của cô Lê Hồng Thu, giáo sư trường Phan Thanh Giản sau nầy). Khúc sông này xế vàm kinh Ba-Rít, cách xoáy nước chừng năm chục thước, nhưng nhờ cây gừa cổ thụ tàng che gần giữa sông, rể gừa lớn nhỏ thòng từ nhánh xuống sình ken như hàng rào lớn chặn trên giòng, nên nước sông không cuộn xoáy nữa mà trôi êm ả, thuận tiện cho ghe neo dọc bến. Năm nào ít thì 15 chiếc, có năm nhiều gần 30 chiếc, chiếc nào cũng lớn với ba bốn người “bạn” theo ghe. Chữ bạn ở đây chỉ những người làm thuê theo thuyền, nhưng chủ nhân đãi như bạn bè, không hề xem như tôi tớ. Với số ghe bầu nhiều và người đông như vậy, xóm bỗng nhiên rộn rịp khác ngày thường, vì quang cảnh tấp nập lên bến xuống thuyền và những người qua lại dừng chân thăm hỏi. Khác lạ vì những giọng nói từ Mủi Né, Phan Thiết hay xa hơn như Sông Cầu, Quảng Ngãi (nhưng vẫn được bà con hồi đó phát âm là Ngỡi), vang trên bến mỗi khi có chuyện cần nói giữa hai thuyền cách nhau. Hầu hết là đàn ông, lâu lắm, đôi ba năm mới thấy có một người đàn bà trên ghe. Thường thì ghe chở đầy nước mắm, muối, rau câu phơi khô, những bó nang tre đủ cỡ. Ngoại trừ nang tre, những món kia được đem bán lần hồi trong chợ Ô Môn. Thỉnh thoảng, vài ghe đường mía từ Quảng Ngãi cũng cặp bến ở đây. Một năm, tôi được thấy một chiếc thuyền thúng di chuyển giữa những ghe bầu lớn. Vài hôm sau khi cặp bến, những ngưòi trai trẻ đào vài lổ tròn trên bờ đất ven sông. Hôm nào trời nắng, họ vác những bó nang tre từ thuyền lên đặt gần lổ đào sẳn, rồi rút nang tre trong bó, đan thành những cái vĩ to nhỏ tùy theo nhu cầu. Đặc biệt là họ ngồi xổm trên vĩ nang tre bện được cho thụp sâu xuống lổ, rồi ở trong đó họ từ từ xoay tròn đan thêm từng cái nang, cho đến khi đúng cỡ thì đặt hai thanh tre dẹp chuốt sẳn gài vào rồi buộc chặt làm vành, dùng dao tề dọc theo vành thúng cho bằng, xong tiếp tục buộc giây quanh vành thật chặt chẽ, cho đến khi được một cái thúng vừa chắc chắn vừa trông đẹp mắt. Chợ quận Ô Môn là giao điểm của mấy làng vây quanh chuyên về nghề nông, nên dân ruộng rất cần thúng để dùng trong việc xúc hay đội lúa từ ruộng về nhà. Thúng nhiều cỡ vì người lớn hay trẻ con đều phải xúc hay đội lúa quanh năm, mỗi khi có dịp cần.
Qua giêng sau Tết, thì các ghe bầu đều khẩm vì chở lúa. Đấy là món hàng chánh mà các chủ ghe đều gom mua từ tháng chạp lúc lúa chín vàng đồng, và lần hồi chất các bao lúa từ đáy thuyền cho đến khi đầy. Tất nhiên không ghe nào chở quá nhiều, vì thuyền còn phải vượt sóng về “ngoải”, dù đó là mùa biển lặng. Và khi lựa được ngày tốt hạp với chủ ghe, hôm trước hôm sau, từng chiếc một rời bến với vài ba người đứng trên bờ bịn rịn tiển đưa. Hình như có những mối tình bầu Trung bến Nam kết thành vĩnh viễn hay chỉ tạm bợ một mùa. Vĩnh viễn vì tôi biết có vài người đã ở lại Ô Môn như chú hai Lưỡng ở trọ nhà chú Ba Dảnh cạnh nhà tôi, lấy vợ rồi chọn nghề chạy xe lôi mà sống; như cô Đào ở đậu nhà tôi, ngày ngày chầm nón lá đem bán bên chợ, cho đến mấy tháng sau thì lấy chồng là chú Trứ, một anh Tàu rặt nhưng nói thạo tiếng miền Nam v.v... “Tạm bợ một mùa” vì tôi có viết dùm những bức thơ thương nhớ của người Ô Môn gởi ra Phan Thiết, hay đọc hộ vài lá thơ, từ Quảng Ngãi gởi vào. Đặc biệt, khi học thông quốc ngữ, tôi được xem một truyện ngắn của Thanh Tử trên tờ Trung Bắc Chủ Nhựt, kể một chuyện tình dang dở xảy ra bên Sa-Đéc giữa một cô gái “dưới bến” và một anh trai “trên bầu”, trong đó có hai câu thơ :
Nhưng anh còn bận tình quê cũ
Để mặt sầu em bóng lẻ trêu
Chuyện kẻ ở người đi khi ghe bầu tách bến, dù có gây chút ngậm ngùi, cũng giống như trong bài tập đọc lớp ba. Thoảng qua một đôi ngày rồi tan biến, vì tuổi thơ còn mê mải nhiều chuyện khác xảy ra trên khúc sông bình yên đó.
Ngồi trong nhà học bài, hay nằm trong mùng sắp ngủ, vẫn còn nghe được tiếng người nói chuyện trên xuồng ghe ngược xuôi qua lại dưới sông, dù nước lớn hay ròng.Vào những đêm tối trời, nhằm cơn nước ròng, lòng sông hẹp lại, thỉnh thoảng nghe vọng lên tiếng một người hô “quát” đầu này, lập tức nghe một người đáp lại “cạy” ở đầu kia. Hồi nhỏ tai tôi thính lắm, nên nghe rất rõ. Hỏi má tôi thì được cho biết là ghe xuồng đi trên sông vào lúc đêm hôm tăm tối, không thấy nhau, dễ đụng chìm xuồng, có khi làm chết người, vì bị thương hay chết trôi. Hai chiếc ghe xuồng xuôi ngược khi nghe tiếng nói chuyện, tiếng dầm chèo khuấy nước, hay thấy dạng nhau; ai thấy trước thì hô quát (hình như có nơi hô bát thì phải?) và giữ cho ghe xuồng của mình sát bờ phiá mặt. Đầu kia, đáp cạy, cốt cho biết là hiểu rồi (như đáp nhận 5/5); và cũng lái sát vào bờ bên mặt của mình. Đây là cách trao tin đơn giản của dân quê, hầu tránh tai nạn, khi có việc cần phải đi thuyền ban đêm trong sông rạch miệt Hậu giang (hay ít nhứt là vùng tôi ở như Ô Môn, Bằng Tăng, Vàm Nhon, Thới Lai, hay Sơn Trắng,Trà Nóc, Bình Thủy v.v...)
Thời tôi đi học trường quận 1938-1945, thì mỗi tuần đều được nghỉ thứ năm và Chủ Nhựt. Nhân những ngày nghỉ này, tôi thường về nhà bà ngoại tôi ở Rạch Gốc, nên thỉnh thoảng được thấy chiếc “đò đạp Sa-Đéc” theo nước lớn xuôi giòng từ ngoài vàm vào chợ Ô Môn, rồi chừng hơn một giờ sau lại xuôi theo con nước vừa ròng thì từ chợ trở ra vàm. Khoảng 8 giờ sáng thì nghe tiếng tù-và âm trầm từ xa vẳng lại. Cũng nên nói qua một chút về cây tù-và. Đấy là một dụng cụ quen thuộc trong vườn để kêu gọi nhau, khi có chuyện cần nhóm họp, hoặc kêu cứu, tuỳ theo việc huởn đãi hay cấp bách mà phát âm. Nó là chiếc sừng trâu cắt bằng hai đầu được trao chuốt trơn láng, có cái dùng quá lâu ngày thì thành bóng lưởng. Khi cần thì thường một người có hơi dài, kê đầu nhỏ vào miệng, phùng mang thổi. Âm thanh thoát từ tù-và vọng xa thê thiết u hoài. Không biết tại sao chủ đò lại dùng tù-và để gọi khách? Có thể vì không có còi tàu (súp-lê) nên dùng âm thanh tù-và gần gụi với dân quê hơn, mà nghe cũng hấp dẫn, cũng đủ thôi thúc mà cũng gợi ý kẻ ở người đi, dù giữa ban ngày? Nghe tiếng tù-và, tôi xuống đứng ở bờ sông để chờ xem đò đến. Đò là một chiếc thuyền cỡ lớn đi trên sông chở được 20, 30 người ngồi đứng tới lui trong khoang. Cuối thân thuyền (thay vì bên hông thuyền như trong các phim trên sông Hoa Kỳ), có bánh xe lớn chìm gần phân nửa dưới nước. Bánh xe có nhiều tấm ván gắn ngang. Hai người vạm vỡ hai tay níu một thanh gổ ngang, dùng chân di chuyển bàn đạp để xoay một cần trục. Họ thường mặc áo ngắn tay và quần xà-lỏn (quần đùi). Nhìn họ kéo buông đôi tay, đầu nhô lên hụp xuống, đôi chân rắn chắc nhịp nhàng bước trên những bàn đạp nhỏ, chầm chậm đẩy lui các bàn đạp về phía sau. Nhờ một hệ thống đơn giản bánh xe răng ở hai đầu trục này, mà bánh xe ngâm dưới nước xoay tròn, đưa những tấm ván quạt nước một chiều, đẩy chiếc đò đi tới (hoặc đi lui khi cần). Đò có thể ghé lại đưa hay rước khách bất cứ bến nào, miễn là có chỗ bắt đà ván dài từ đò lên bến cho hành khách xuống lên. Khi đò di chuyển có trớn, thì nước tuôn ào ào ra phiá sau lái. Đò cũng rẻ sóng mà lướt trên mặt sông, dù chỉ là sóng gợn.
Nói đến sóng trên đoạn sông này, khiến tôi lại nhớ những chiếc tàu. Thỉnh thoảng, có một chiếc tàu vào chợ Ô Môn rước hay đưa khách. Tàu nầy có súp-lê hẳn hoi, nên khi nó vừa vào khỏi vàm thì cả xóm đã biết. Đối với tôi, năm đó, chiếc tàu chở hành khách chạy trên sông là một sự việc lạ mà xa vời, thấy được nhưng không dám ước mơ sẽ bước chưn xuống đó. Tàu đi trên sông ban ngày đã là một kỳ thú, vì nó sang trọng tân kỳ quá, nó còn đùa những lượn sóng lớn dạt vào vổ mạnh hai bờ sông . Nhưng tàu chạy trên sông ban đêm lại đáng xem hơn, vì đèn đuốc trên tàu sáng choang, người đi lại trong khoang tàu lại càng rộn rịp dễ thấy, hấp dẫn hơn ban ngày.
Lâu lâu, lại có chiếc một chiếc tàu giòng những ghe chài lúa của đồn điền Cờ Đỏ từ chợ Ô Môn ra vàm để lên Chợ Lớn. Đứng nhìn chiếc tàu chạy cà xình cà xình kéo theo hằng chục chiếc ghe chài đầy lúa gạo, có giây đỏi dài nối đuôi ghe trước vào mũi ghe sau, tôi mê mẩn nhìn những người bắt ghế ngồi trên sàn trước mũi (vì khỏi phải bơi chèo), hay các bà lui cui nấu cơm chỗ khoảng sân nhỏ phiá sau (chỗ người giữ tay lái thường đứng). Tôi nghĩ suy không biết tàu theo sông rạch nào để kéo mấy chiếc ghe chài gạo lên Chợ Lớn, dù có biết tên Chợ Lớn trong bài học địa dư, và ao ước được đi một lần cho biết. Máu giang hồ trong tôi có lẽ khởi dâng từ ngày đó. Chiếc tàu giòng này hình thù quen thuộc, nó phải kéo nhiều ghe chài nặng, chạy chậm, nên sóng có lan ra cũng chỉ vổ nhẹ vào bờ. Có lần, tôi thấy chiếc tàu này chạy thật mau, rẻ nước phăng phăng, sóng dâng cuồn cuộn, làm cho những chiếc xuồng đậu dọc hai bên sông nhồi hụp lung tung, nước bị đẩy tràn lên mé. Đó là vào mùa thu cuối 1945, khi chiếc Annamite 72 của quân xâm lăng Pháp lên xuống thượng lưu Hậu -giang (do cậu Tám tôi theo kháng chiến cho biết), có hôm chạy chậm lại như muốn đậu ngoài vàm, nả vài phát đại bác thị uy, hăm doạ quận Ô Môn. Bốn năm anh kháng chiến có súng lục bên hông, súng dài cầm tay, bị đeo lưng, từ Bình Xuyên xuống, điều khiển cho chiếc tàu này xông pha trên sông Ô Môn, từ tuốt trong Rạch Phê ra vàm, diệu võ dương oai, như để trấn an đồng bào rằng: có ta ở đây, Tây không dám vào. Tôi xem chiếc tàu giòng này chạy ra chạy vào như vậy được hai ba lần, thì dân làng được lịnh tản cư!!!
Khúc sông này bây giờ sâu cạn ra sao tôi không được biết, chỉ biết nó còn tươi mát luân lưu trong giòng kỷ niệm ấu thơ của tôi với thật nhiều nhắc nhở! Còn đâu nữa thời thơ ấu của một học sinh trường tiểu học quận Ô Môn mong đến thứ năm, Chủ Nhựt để về nhà bà ngoại, chờ nước ròng lấy sào cắm sẳn xuống bãi sình, đợi nước lớn thì ráng nín hơi (tự tập) lội từ bờ ra để nắm cho được cây sào, rồi vừa vuốt mặt thở vừa cười hí hửng! Đã xa xôi lắm rồi, thời hồi cư sống phập phồng vì sợ những “thằng chổng” trôi lên trôi xuống năm bảy ngày không ai dám vớt, bởi bản án nhòe nhoẹt chữ còn máng trên cổ tử thi trôi lang thang theo đám lục bình, có khi cùng tấp vào bờ vì vướng những rể bần, bên cạnh gốc mù u! Mấy cây bần già với cây mù u lão xì vặn vẹo nghiêng nhánh ra mé sông năm xưa còn đứng đó, hay đã chết rụi lâu rồi?! Năm tháng trôi đi, nhưng kỷ niệm xa xưa còn đọng lại chưa phai!
Chừng nào thì quên được ánh trăng vàng soi bóng trên mặt sông phẳng lặng lúc đêm tàn, hay ánh nắng mai nhấp nhô theo sóng gợn khi gió đùa!? Dọc nẽo lưu vong, có hôm nhớ quắt quay tiếng chày giả gạo tay ba, từ xóm nhà bên kia sông, chốc chốc đệm thêm một nhịp nhồi kiểu cọ vẳng lên. Thỉnh thoảng, lại còn được nghe tiếng hò trên sông vang vọng trong đêm, vâng, tiếng hò của ai năm xưa đã đã lộng theo gió khuya như thiết tha mời gọi, như chứa thầm ước hẹn:
Bớ... ớ... ớ... chiếc ghe sau chèo mau anh đợi
Qua khúc sông này... hò ơ... bờ bụi tối tăm
và quá quắt, trớ trêu hơn, là câu hò của một khách sông hồ chừng như mệt mỏi, thành ra hơi phóng túng, nhưng trử tình biết bao nhiêu:
Hò... ơ... Gió đưa con buồn ngủ... hờ... ơ ờ... lên bờ
Mùng ai có rộng... hà ơ hờ. . .xin cho ngủ nhờ... ơ ờ... ngủ nhờ một đêm!!!L o n g T u y ề n11 giờ sáng, ngày 20 tháng 05 năm 2001