
D U Y Ê N . n ợ
........b a . S I N H
____________________________________________________________________________........b a . S I N H
...từ sau tháng tư đen.
Tôi từ giã cha mẹ, theo chồng về quê.
Từ lâu rồi, tôi nghe câu ca dao:
" Mẹ mong gả thiếp về vườn,
Ăn bông bí luộc, dưa hường nấu canh"
Chắc đó là một thời thanh bình nào xa lắc, chứ còn bây giờ, khi chúng tôi bị rượt đuổi như đang gánh vác một tội đồ, thì ngay bông bí, dưa hường cũng kiếm đâu ra.
Mỗi ngày tôi đi ngắt đọt rau muống, ở nhà quê rau muống là cỏ dại, tôi tha hồ bữa luộc, bữa xào. Có khi tôi hái đọt ớt, mồng tơi, rau dền, thêm một trái mướp, tôi nấu canh tập tàng. Chồng tôi thích ăn canh, bữa cơm đạm bạc mà có được chén canh thì dễ ăn hơn nhiều.
Lần nào ở ngoài ruộng về, anh cũng móc túi quần, chiếc quần kaki đã thủng nhiều chỗ, anh bỏ ra vài con cua đồng tím đỏ, dăm con ốc bươu, có khi có thêm con cá nhỏ. Nhiều lúc tôi cũng điên đầu vì không biết phải xoay ra món gì. Anh làm việc nặng nhọc mà ăn đói thì tội quá.
Cũng may là lâu lâu anh chặt về một buồng chuối chín. Hoặc mùa đào khoai thì có khoai lang, khoai lớn phải đem bán, chỉ giữ lại nhà khoai hạng ba, củ nhỏ bằng ngón tay. Thuở đó mỗi ngày tôi ra mương cạnh nhà, chà rửa một rổ lớn rồi luộc lên, cả nhà lột khoai chấm nước cốt dừa ăn thay cơm.
Tôi chỉ lo cho sự an nguy của anh thôi. Chứ đối với tôi, được cùng chia với anh củ khoai, ngồi cạnh nhau trong căn bếp ấm, chung quanh mù mịt khói vỏ dừa un muỗi, đã là hạnh phúc lắm rồi.
Tuy được thả ra, chứ thân phận anh như con kiến bò trong miệng chén, bất kỳ trong xã có chuyện công ích nào, đào kinh, vét mương, cất nhà tình nghĩa, làm nghĩa trang liệt sĩ …nhất nhất chuyện gì, thì những phó thường dân như anh bị trưng dụng trước tiên, người ta nói “nước sông, công tù” mà .
Nhớ lần duy nhất được đi thăm anh, sau hơn một năm bị giam ở đảo Phú Quốc, không một tin tức gửi về. Lúc anh được chuyển trại về Cà Mau, tôi theo má chồng đi thăm anh, tôi nói lần duy nhất là vì tên Công an Phường không chịu cấp giấy đi đường cho tôi đi thăm chồng, hắn nói vì chúng tôi chưa “Đăng ký kết hôn”, nên chưa phải là vợ chồng.
Sau này khi tên công an khu vực đi về thăm quê, tôi mới xin được giấy phép vì một cơ hội hiếm có.
Má chồng tôi đã đi tìm con nhiều lần, nên bà biết rõ đường đi, chúng tôi đáp xe đò xuống Minh Hải, rồi ngồi đò máy vào chợ Cái Nảy, lúc chúng tôi đến nơi thì trời đã chạng vạng tối. Má chồng tôi nói trình giấy xin thăm nuôi ở đây, đây là trại E 24. Sáng sớm ngày mai còn đi một chiếc ghe nhỏ nữa mới đến trại B3 của chồng tôi.
Lúc má anh trình giấy thì trót lọt, vì là mẹ đi thăm con. Tới phiên tôi thì có rắc rối. Tên cán bộ hỏi tôi đi thăm ai, rút kinh nghiệm ở Phường, tôi không dám nói đi thăm chồng vì sợ bị hỏi giấy đăng ký kết hôn, tôi nói đi thăm vị hôn phu, tên này nhìn tôi trừng trừng làm tôi hoảng sợ.
Hắn hất hàm hỏi trống không:
- Làm nghề gì?
- Sinh viên.
Tôi trả lời và đưa thẻ ra.
Hắn lại nhìn tôi chằm chằm…
Má chồng tôi thấy vậy, liền tiến tới giải thích, tôi là con dâu sắp cưới của bà.
Sau khi yên trí tôi không phải là thành phần phản động, tên cán bộ nói:
- Thế ra là chị đi thăm người yêu… học sinh thì bảo là học sinh…chỉ tiểu tư sản!
Làm xong thủ tục, tôi thở ra nhẹ nhõm.
Đêm trước khi vào trại thăm nuôi, họ gọi tên mỗi người để đóng tiền ngủ đêm, và sắp chúng tôi thành từng nhóm nhỏ, cứ mỗi nhóm khoảng mươi người vào trong một chòi lá ven sông. Trong chòi chỉ có hai tấm ván dài kê lên mấy cục gạch,
Chúng tôi không ai ngủ được vì chỉ có ngồi xổm, hơn nữa lòng bồn chồn, nôn nóng, vì còn mấy tiếng đồng hồ nữa thôi, là sẽ được gặp người thân. Vào khoảng nửa đêm thì nước tràn vào chòi, ban đầu ướt lấp xấp… Lát sau thì chúng tôi phải đứng lên hết ,xách theo luôn hành lý vì nền nhà đã hoàn toàn ngập nước. Tất cả mọi người đều phải bước lên mấy tấm ván, nước càng lúc càng dâng cao. Bây giờ tôi mới biết mấy tấm ván này dùng để làm gì.
Chừng khoảng hai giờ sáng thì bọn họ rọi đèn kêu chúng tôi ra, cứ theo tên gọi mà lên chiếc ghe nhỏ đậu trước mặt, trước khi lên thì phải đóng tiền cho chủ ghe. Chiếc ghe nhỏ đã khẳm lắm rồi, mà tên cán bộ vẫn tiếp tục kêu người lên…Chung quanh tôi, trời đen kịt, sông nước mênh mông…Má chồng tôi ghé tai tôi hỏi nhỏ:
- Con à, con biết bơi không?
Sau này tôi mới nghe nói những chiếc ghe đó đã nhiều lần lật, chìm, và không có cách cứu nạn nào nếu nạn nhân không biết tự lo cho mình!
Chiếc ghe chèo gần tới sáng thì neo lại ở xa xa bờ, qua làn sương mỏng tôi thấy một đoàn người đi ở phía trước, vai vác dụng cụ nhà nông. Tôi đoán họ ra đồng làm việc, nhưng họ cứ ngoái nhìn lại chiếc ghe, tôi biết ngay họ là ai, nên đứng thẳng lên nhìn, má chồng tôi nói nhỏ
- Đây mới là trại 1. Trại 2, 3 còn xa trong kia
Tên dẫn đường kêu tên những người được lên trại 1, hắn gằn giọng:
- Mấy bà vợ trẻ ráng “động viên” chồng lao động cải tạo tốt thì được tha về, vô đó mà khóc lóc thì tui đưa trở ra liền nghe.
Cuối cùng, chúng tôi cũng tới trại B3, tôi hồi hộp lắm.
Chiếc ghe cũng đậu ở xa bờ… Trời đã sáng rõ, tôi thấy trong dãy cầu xí cất gie ra mé sông, có mấy người đàn ông đứng trong đó nhìn chúng tôi, tôi biết họ chỉ giả bộ đi cầu thôi, vì ai cũng đứng ngó ra ngoài.
Chiếc ghe được lệnh cặp vào chiếc cầu nhỏ, chúng tôi chuẩn bị đi lên.
Tôi không thể nào quên được giây phút đó.
Đứng trên bờ đất, chồng tôi cúi xuống nắm tay tôi kéo lên. Tôi nói sao cảm giác lúc hai bàn tay chạm vào nhau, cảm giác mà mỗi khi nghĩ lại, còn làm tôi xúc động đến bây giờ. Chồng vợ nắm tay nhau mà chưa được phép nói chuyện.
Tôi cảm ơn biết bao, những người bạn tù đã chạy đi thông báo với chồng tôi, đã sắp đặt cho anh “tình cờ” đi ra đúng lúc ấy để giúp đỡ tôi leo lên bờ đất cao.
Trên bờ, mấy con ba khía hốt hoảng chạy ngang ngang, ba khía ở đây nhiều lắm.
Mẹ con tôi đi vào căn nhà lợp lá, dành làm chỗ thăm nuôi.
Còn anh và mấy người bạn có thân nhân thì quay trở lại trại, chờ quản giáo kêu tên ra gặp người nhà .
Anh ngồi trước mặt mẹ, hỏi thăm chuyện gia đình. Cánh tay anh choàng ngang vai tôi, tôi nắm tay anh, cảm động sao giây phút quý báu ở cạnh nhau, bàn tay thân thuộc ngày nào bây giờ chai sạm, to bè. Tôi không cần e dè, ngần ngại trước mặt má anh nữa, tôi cũng không khóc.
Ở cạnh anh, tôi chỉ thấy niềm vui, hai chúng tôi cười với nhau mà chẳng nói chi nhiều. Nói gì bây giờ cũng vô nghĩa. Khi người ta có quá nhiều điều để nói, thì biết bắt đầu từ đâu bây giờ.
Mấy tiếng đồng hồ trôi qua nhanh quá, trước khi chia tay, tôi nhét vào tay anh một lá thư thật dài, anh cũng kín đáo đưa lại cho tôi một lá như thế. Tôi lặn lội một ngày, một đêm để gặp chồng có vài giờ .
Chiếc ghe nhỏ đưa những cha mẹ già, những người vợ trẻ đi trở ra chợ Cái Nảy. Ở đây chúng tôi lại đi theo đò máy mà về Minh Hải...
Thường thì lượt về, người ta sẽ có cảm tưởng hành trình ngắn hơn, nhưng tôi thì trái lại.
Tôi thấy đường xa mù khơi, hôm qua tôi lặn lội mỏi mệt, nhưng tôi có anh ở cuối con đường. Hôm nay, mỗi con sông tôi đi qua, là chúng tôi lại xa nhau thêm nghìn trùng, tôi chịu hết nổi nên nằm bịnh dọc đường làm má chồng tôi lo lắng cuống quít.
Tôi nằm trong lòng chiếc đò máy, sóng đánh đu đưa, tiếng máy đuôi tôm rền rĩ làm tai tôi ù đặc, tôi bị sốt mê đi… nghe như gió lạnh nổi thốc tứ bề.
*
Tin từ trong trại đưa ra, anh bị đau nặng...
Gia đình được làm đơn bảo lãnh cho anh ra tù.
Anh nằm thiêm thiếp, bất động…nhưng tôi vẫn cho là tôi may mắn, vì tôi biết có nhiều người đã chết vì không có phương tiện chạy chữa ở trong đó.
Khi ấy, thuốc thì phải chạy kiếm ngoài chợ trời, bệnh viện chỉ cung cấp thuốc cho những đơn thuốc của cán bộ, (dân đen thì chỉ có thuốc Xuyên tâm liên) mặc dù lúc đó Việt cộng đã lấy hẳn bệnh viện Thống Nhất dành riêng cho cán bộ cỡ bự.
Khi tôi bắt đầu bán đi những chiếc áo dài, nghĩa là trong nhà không còn có cái gì giá trị nhiều hơn nữa để bán… Thì Ơn Trời, bệnh anh tự nhiên như lui hẳn...
*
Khi anh vừa qua cơn nguy biến thì phải trở về quê, vì tuy được thả ra khỏi trại tù nhưng anh cũng như tất cả những tù nhân chính trị đều bị mất quyền công dân , và không được phép ở thanh phố, cho dù lúc ấy gia đình bên tôi và bên chồng đều ở Saigon.
Chúng tôi làm một lễ cưới đơn sơ, lạy gia tiên và ra mắt họ hàng hai bên . Sau đó, tôi chuẩn b đồ đạc theo anh về quê.
Từ Saigon đi xe đò xuống tới Cần Thơ khoảng 4 giờ chiều, nhưng anh dẫn tôi đi kiếm nhà bà con xin ngủ qua đêm. Vì tới Cần Thơ phải lấy xe đò đi tiếp vô chợ Rach Gòi, mà lúc đó ngoài bến xe người ta nằm, ngồi cùng hành lý chật cứng. Vé xe bán qua giấy giới thiệu, ai không có giấy thì phải nằm chờ, xe có dư chỗ thì lên.
Chúng tôi xuống tới Rạch Gòi, qua xã Thạnh Xuân, rồi quá giang xuồng để vào tiếp trong Ấp Láng Hầm. Ở đây không có số nhà, cho nên thư từ, cho dẫu điện tín khẩn cũng phải nằm chờ ngoài Trụ sở Công an xã, khi người dân đi chợ thì ghé vô tự soạn ra mà lấy thư về.
Nhớ mấy lần sau về quê chồng, tôi mắc cở làm thinh khi má chồng tôi kêu đò từ bên kia con rạch. Người chở đò cho quá giang, nhưng người đi nhờ đò phải phụ chèo mũi hay chèo lái. Má chồng tôi phụ chèo, tôi còn trẻ mà lại ngồi không cho người ta chở. Tôi từ nhỏ tới lớn có chèo đò bao giờ, nên rất ngại ngùng vì không giúp được gì cho chủ đò. Tôi cũng không dám bắt chuyện với họ, vì tôi nói tiếng Bắc, họ nghe không quen nên đồn rằng nhà ông bà Năm cưới con dâu ngưòi Huế.
Ở dưới quê, chợ họp theo con nước, khi nước lớn vào khoảng 3 giờ sáng.
Chồng tôi kêu đò xin quá giang, nhưng anh chỉ gởi tôi lên, còn anh thì đi bộ trên bờ, trên vai mang một buồng chuối, hay một quầy dừa, đem ra chợ đổi lấy gạo. Tôi muốn đi bộ với anh cũng không được, vì ở dưới này, cứ giữa hai nhà là có một cái mương rộng, trên có cái cầu khỉ làm bằng thân cây bắc ngang.
Có lần phải đi qua một con kinh lớn, cây cầu khỉ làm bằng thân cau khá dài, mà khi đi gần đến giữa cầu, nó lại oằn xuống một chỗ cong theo thân cây. Cái tay vịn thì ở xa, tôi lại nhỏ con, nếu tôi vói tay vịn thì sẽ rớt xuống khoảng không ở giữa cầu. Nhìn dòng nước chảy xiết bên dưới, tôi sợ muốn khóc, tôi muốn ngồi xuống mà bò qua bằng tay… Lần đó anh cõng tôi qua cầu, lúc qua được bên kia rồi ngó lại, tôi thấy hai bên đầu cầu người ta coi vợ chồng tôi nãy giờ như coi hát xiệc.
Miếng đất mà ba chồng tôi xin “nhập hộ khẩu” để có địa chỉ mà bảo lãnh chồng tôi về, là miếng đất rất xấu, cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng.
Vùng đất cằn khô, cây trồng trên rẫy mà nước mương không lên tới. Ruộng thì chỗ thấp chỗ cao, nên đến mùa lúa thì lúa chín từng khoảng, gặt hái chẳng bao nhiêu, cả nhà phải ra “mót” lấy những chỗ lúa chín, nâng niu đập, phơi.
Hễ cây giống cam, quýt vừa đặt xuống, có khi chưa kịp bén rễ đã bị bứng trộm mất, vì trong phần đất trước đây có một lối đi chung, người ngay kẻ gian gì cũng có quyền đi xuyên qua đất nhà.
Trăng ở nhà quê đẹp mà buồn.
Ánh trăng xanh mét trải mênh mông trên từng con mương dài, trăng rớt trên hàng cau xõa tóc, lả lơi trên tàu dừa đu đưa, ánh trăng tương phản với những cây đèn đầu đỏ quạch dưới những mái lá hắt hiu.
Tôi ngồi trên bờ, còn anh cầm cái len xuống ruộng để san cho hết chỗ đất thấp cao, gieo hi vọng cho mùa tới, lúa sẽ chín đều.
Lúc mặt trăng đã lên cao lắm, trải ánh sáng tràn lan trên từng bờ cỏ, thì anh trở lên ngồi cạnh tôi, hai bắp chân bê bết đất sình. Anh cười vui, còn tôi thì buồn nẫu ruột, thương chồng mà không biết làm sao hơn.
Chợt nghĩ tới ngày phải trở lên Saigon vì tôi còn hai cái chứng chỉ chưa lấy xong, tôi muốn nghỉ quách cho rồi, thời buổi này còn học làm chi, nhưng anh khuyên tôi nên tiếp tục.
- Kiến thức sẽ giúp em dễ dàng nhận ra những trò xảo trá, bịp bợm đang xảy ra quanh em!
Đã nửa khuya rồi, chúng tôi xuống mương rửa chân tay.
Tiếng nhóc nhen kêu rền rĩ.
Mấy thanh niên trong ấp hãy còn tụ họp ca tân cổ nhạc giao duyên, tiếng đờn thùng bập bùng...
Chỗ ngủ của vợ chồng tôi là một tấm tôle đã được anh đập cho phẳng, trải trên nền đất. Anh trải thêm lên đó hai tấm mền dầy để ngăn hơi đất. Tôi thấy trên đầu nằm, có mấy quyển sách và cây đèn dầu nhỏ.
Tôi thắp ba cây nhang cặm ngoài chiếc Bàn Thiên.
Bên kia con rạch, bài vọng cổ Khóc Bàng Phi có ai ca làm rớt nhịp.
Bài ca buồn quá giữa đêm sương !
“Ta biết tìm đâu, biết gởi đâu.
Lời thơ thiên cổ biệt ly sầu.
Người về chốn ấy xa thăm thẳm,
Ta ở nơi này hận bể dâu.”
. . . . . . . .
Tri kỷ ơi,
Khi vợ chồng còn mặn nồng bên nhau, đừng bao giờ anh hứa hẹn kiếp sau sẽ đi cưới em lần nữa.
Đó là một lời nói gở.
Cây nhang chưa tàn…anh biết không?
